Đại gia bán lẻ e ngại vì giá thuê mặt bằng Tp.HCM

Một đại gia bán lẻ ngoại cho biết đã rất ngỡ ngàng trước mức giá thuê mặt bằng cao ngất ngưởng tại Hà Nội và Tp.HCM. Điều này khiến họ khó có thể đạt được sinh lợi dài hạn và đang dự định nhượng quyền để giải quyết bài toán chi phí mặt bằng. 

Ngược lại với đà giảm tốc của phân khúc trung tâm thương mại và siêu thị, loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini lại đang bùng nổ cả về số lượng cũng như số doanh nghiệp tham gia. Đây cũng chính là tâm điểm của cuộc đua tranh trên thị trường bán lẻ với sự chạy đua miệt mài của các doanh nghiệp trong việc mở rộng hệ thống, bất chấp lỗ lãi và gánh nặng chi phí thuê mặt bằng.

Mỗi tháng thêm gần 100 cửa hàng

Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, riêng địa bàn Tp.HCM đã có thêm 509 cửa hàng tiện lợi, con số này cao gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2017. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có thêm gần 100 cửa hàng tiện lợi mới tại Tp.HCM.


Chỉ trong nửa đầu năm 2018, Tp.HCM đã có thêm 509 cửa hàng tiện lợi. Ảnh minh họa

Các công ty nghiên cứu thị trường đều cho rằng, tương lai Việt Nam sẽ đạt tốc độ phát triển cửa hàng tiện lợi vào hàng nhanh nhất khu vực châu Á, cụ thể là vào năm 2021. Khi đó, cuộc cạnh tranh "sống chết" giữa các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế sẽ chính thức bùng nổ. Hiện tại, vị trí thống lĩnh thị trường đang thuộc về các nhãn hàng quốc tế như Family Mart (Nhật Bản), Circle K (Mỹ), Shop&Go và B’s mart (Đông Nam Á) với gần 70% số cửa hàng tiện lợi.

Gần đây nhất là sự gia nhập của GS25 - một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc - vào thị trường Việt Nam. Nhãn hàng này đặt mục tiêu mở hơn 2.500 cửa hàng trên khắp cả nước trong vòng 10 năm tới. Được biết, chỉ sau nửa năm gia nhập, GS25 đã hoàn thành việc ra mắt 15 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm con số này sẽ là 40-50 cửa hàng. Theo ông Ju Young Yun, Giám đốc điều hành GS25, nếu so với dân số Việt Nam hiện nay thì số cửa hàng tiện lợi chưa thấm vào đâu và còn phát triển mạnh trong tương lai. Cũng vì nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng như vậy nên GS25 quyết định gia nhập thị trường Việt Nam.

Trước sự dấn sân mạnh mẽ của khối ngoại, các nhà bán lẻ tên tuổi trong nước cũng đang không ngừng chạy đua mở rộng chuỗi. Chẳng hạn Thế Giới Di Động, Saigon Co.op… đang đẩy mạnh tìm mặt bằng cho các chuỗi Bách hóa Xanh, Co.op Food, Cheers, Satrafoods… Hiện Saigon Co.op đã sở hữu gần 250 cửa hàng Co.op Food, hơn 70 cửa hàng Co.opSmile, đồng thời đang tính toán nhượng quyền để phát triển nhanh 2 chuỗi này. Trong khi đó, Thế Giới Di Động xác định Bách hóa Xanh là mảng đầu tư cốt lõi trong năm nay nên đã huy động vốn để đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi này.

Chi phí "ăn" hết lợi nhuận?

Cũng chính vì các doanh nghiệp đua nhau mở chuỗi nên giá cho thuê mặt bằng cũng tăng chóng mặt, một số nơi ghi nhận giá cho thuê tăng gấp đôi so với trước. Một vài hệ thống như Bách hóa Xanh, Family Mart… mở chuỗi rất nhanh nhưng ngược lại cũng có không ít cửa hàng phải đóng cửa vì kinh doanh kém hiệu quả, chi phí thuê cao hoặc bị thu hồi mặt bằng.

Giá thuê mặt bằng tăng cao gây khó khăn cho các nhãn hàng bán lẻ. Ảnh minh họa

Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) mới đây cũng mở thêm 2 cửa hàng ở quận Gò Vấp và Tân Phú (Tp.HCM). Ngay sau đó, nhãn hàng này đã đặt mục tiêu mở thêm 3 cửa hàng nữa trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nâng tổng số cửa hàng hiện hữu lên 45. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc VISSAN, cho biết ban điều hành công ty xác định không mở chuỗi bán lẻ mà mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm để có thể ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng một cách trực tiếp và làm đối trọng với các nhà phân phối.

Tuy nhiên, bài toán trên của VISSAN trở nên khó khăn khi chi phí mặt bằng quá cao. Nhãn hàng này đã phải dẹp hơn 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm vì không đạt hiệu quả như mong đợi trên nền mặt bằng thuê đã hết hạn hợp đồng, trong khi đó chủ cho thuê đòi tăng giá; còn lại 2/3 cửa hàng đang hoạt động là mặt bằng của công ty. "Giá thuê mặt bằng nhỏ diện tích 80-100 m2 ở Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân đã lên đến 35 triệu đồng/tháng, chủ cho thuê không chịu ký dài hạn và đòi tăng giá 10% mỗi năm. Nếu cộng hết chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước, khấu hao… đã tốn khoảng 200 triệu đồng/tháng, rất áp lực", ông Dũng cho biết.

Giới phân tích cũng thừa nhận, mặc dù phát triển nhanh chóng với số lượng rất nhiều nhưng thực tế đến nay chưa chuỗi cửa hàng tiện lợi nào đem lại lợi nhuận. Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, trên lý thuyết hiệu quả của cửa hàng tiện lợi chỉ có thể ghi nhận sau khi hoạt động từ 3-5 năm; các nhà bán lẻ muốn tối ưu hóa được chi phí cũng phải đạt ít nhất 500 cửa hàng trở lên. Do đó, trong cuộc đua này, lợi thế đang thuộc về những "ông lớn" ngoại có vốn mạnh, nghiên cứu kỹ thị trường trước khi mở điểm bán.

Còn ông Ju Young Yun cũng thừa nhận giá thuê mặt bằng tại Tp.HCM và Hà Nội đang tăng cao một cách ngạc nhiên khiến kế hoạch sinh lời dài hạn của các nhà bán lẻ gặp khó khăn. Đây cũng là lý do khiến GS25 phải tính toán nhượng quyền để giải quyết bài toán chi phí mặt bằng.
(Theo: Người lao động)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.